REVIEW SÁCH KHÔNG DIỆT KHÔNG SINH ĐỪNG SỢ HÃI – THÍCH NHẤT HẠNH

by on

“Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì chúng rút lui. Chúng đợi tới đúng thời điểm sẽ biểu hiện trở lại.” – Trích Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Giới thiệu tác giả – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những nhà truyền giáo, nhà văn, và nhà sư Thiền hàng đầu của Việt Nam. Sinh năm 1926 tại Huế, ông đã trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong phong trào Thiền đại chúng. Nhà sư nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ sự đóng góp của mình cho phong trào hòa bình và bảo vệ môi trường.

Chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thích Nhất Hạnh đã viết nhiều tác phẩm về Thiền và phương pháp sống an lạc. Những tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đặc biệt, chúng có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Thiền.

Ngoài ra, thiền sư cũng được tôn vinh với nhiều giải thưởng uy tín. Tác phẩm và triết lý của ông đã và đang lan tỏa khắp cộng đồng, truyền cảm hứng và giúp mọi người sống cuộc đời an yên và hạnh phúc.

Giới thiệu tác phẩm Không diệt không sinh đừng sợ hãi

Không diệt không sinh đừng sợ hãi được xuất bản vào năm 2018 bởi NXB Hội Nhà Văn. Ngay từ khi ra mắt, quyển sách đã thu hút sự chú ý của rất nhiều bạn đọc.

Tác phẩm này gồm 219 trang và 9 chương, nó sẽ giúp bạn biết mọi vật trên đời đều vô thường, dũng cảm đối mặt với nỗi sợ để bước ra ngoài ánh sáng.

Ở quyển sách Khong diet, khong sinh, dung so hai, thầy Thích Nhất Hạnh gọi trái đất với một cái tên thân thương là “Đất mẹ”.

Quyển sách dạy cho chúng ta cách đối mặt với nỗi sợ
Quyển sách dạy cho chúng ta cách đối mặt với nỗi sợ

Cách thầy nhìn và cảm nhận cuộc sống đầy thi vị, mỗi bước chân, mỗi hoạt động đều chan chứa tình yêu thương. Với sự thấu hiểu nhân sinh, thiền sư đã viết ra tác phẩm này như một chân lý sống tự do, giảm bớt muộn phiền của vấn đề sinh – tử mà chúng ta vẫn thường sợ hãi.

“Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm đến – đi, lui – tới”

Review 8 Phần Sách Không Diệt, không sinh, đừng sợ hãi

Ở mỗi phần sách, ta sẽ học được nhiều triết lý Phật giáo mà thiền sư muốn truyền tải. Sau đó, dùng nó để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Mời các bạn cùng I Am Teng cảm nhận chiều sâu của tác phẩm này ngay tại đây.

Phần 1: Ta tới từ đâu? Ta đi về đâu?

Có một câu hỏi muôn thuở mà người ta vẫn thường hay hỏi nhau. Liệu có phải cuộc đời này bắt đầu từ khi chúng ta cất tiếng khóc đầu đời, và kết thúc vào khoảnh khắc ta rời xa trần thế không? Đối với nhiều người, cái chết quả thật đáng sợ. Họ quan niệm “chết là hết”, chết là kết thúc mọi thứ, thế nên con người thường sợ phải chết đi.

“Bản chất của thực tại là không đến, không đi; không trên, không dưới và không có gì sinh ra, không có gì mất đi.”

Nhưng nếu dừng lại một chút, nhìn sâu một chút và thấu hiểu một chút thì bạn có thể thấy được bản chất của mọi việc trên đời này đều có một điểm chung. Đó chính là không sinh, cũng chẳng diệt.

“Bụt dạy khi đầy đủ nhân duyên thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Khi thiếu một hoặc hai điều kiện, sự việc đó không biểu hiện như trước thì ta nói nó không hiện hữu. Theo Bụt, nói rằng thứ này có hay không là sai. Trong thực tại, không có thứ gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu”.

Mỗi chương sách là những bài học khiến chúng ta phải suy ngẫm
Mỗi chương sách là những bài học khiến chúng ta phải suy ngẫm

Nếu chúng ta cứ buộc bản thân vào những quan niệm cứng nhắc thì suy nghĩ ấy sẽ khống chế lấy tâm can mình mãi mãi. Chẳng lẽ một bông hoa xinh đẹp lụi tàn thì ta nghĩ nó không thể tồn tại nữa sao?

“Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì chúng rút lui”

Trước khi được mẹ sinh ra, chúng ta đã từng hiện hữu ở một hình hài khác tại một thế giới rộng lớn khác. Khi bạn nhìn vào hiện tại và so sánh với chính mình ở quá khứ, sẽ thấy những điều giống nhau nhưng ngẫm kỹ lại thì không giống. Nếu nhìn đời bằng một suy nghĩ sâu sắc thì cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Phần 2: Cái sợ đích thực

Con người có nhiều nỗi sợ, sợ chết đi, sợ biến thành hư vô, sợ bị rơi vào quên lãng và còn sợ cả sự trống rỗng. Khi sợ hãi điều gì đó, con người ta thường có xu hướng tìm đến những điều tâm linh để giúp đời bớt khổ. Trích một đoạn mình khá tâm đắc trong Không diệt không sinh đừng sợ hãi:

“Thượng đế là bản tánh chân thật của ta, là bản chất không sinh không diệt. Vì thế, nếu bạn biết tin cậy vào Thượng đế, tin vào bản chất chân thật của ta thì ta sẽ không còn sợ hãi lo âu nữa.”

Phần 3: Thực tập nhìn sâu

Thực tập nhìn sâu để biết vô thường không phải cách mô tả khác của thực tại. Nó được xem là dụng cụ hữu ích để chúng ta chuyển hóa suy nghĩ, buông xả và hàn gắn các vết thương của chính mình.

Vô thường là gì? Vô thường có nghĩa là mọi việc sự đều có thể thay đổi, chúng thay đổi từng giây. Chính vì thế bạn không thể mô tả chính xác sự việc đó giống lúc này hay lúc kia được.

“Hôm nay, khi chúng ta tắm lại trong dòng sông mà ta đã tắm bữa qua, dòng sông có còn là dòng sông cũ hay không?”

Heraclitus đã từng nói: “Chúng ta không thể sống hai lần trong cùng một dòng sông” và thiền sư Thích Nhất Hạnh đồng ý với điều này.

Con người thường có xu hướng đau buồn, khổ sở khi nhiều sự vật đã không còn được như lúc ban đầu. Nhưng nếu bạn ngẫm kỹ lại, sự thay đổi có thể mang nhiều khía cạnh tích cực. Nhờ vô thường mà mọi việc mới có cơ hội để khởi sinh.

“Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được.”

Tất cả chúng ta có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng không thể hiểu được tường tận chân nghĩa của nó. Vì vậy hãy thực tập nhìn sâu, nhìn sâu để biết được bản chất thật sự của vô thường.

Phần 4: Chuyển hóa khổ đau và sợ hãi

Ở phần này, nhà sư lấy hình tượng đám mây để cho ta biết cách chuyển hóa nỗi đau và sợ hãi. Khi bạn nhìn thấy đám mây xanh đẹp đẽ, bạn thưởng thức và trót yêu đám mây. Nhưng đến một lúc nào đó hình dáng của mây thay đổi, màu sắc cũng dần xám xịt và hình thành mưa. Lúc này bạn bắt đầu đau khổ tột độ, hy vọng rằng đám mây xanh ngày trước có thể trở lại với mình.

Nhưng nếu suy xét kỹ lại và nhìn sâu vào cơn mưa, có thể bạn sẽ không còn buồn vì thực chất đám mây đẹp đẽ vẫn luôn ở đó.

Hình tượng "đám mây" được thiền sư sử dụng suốt phần Chuyển Hóa Nỗi Đau Và Sợ Hãi
Hình tượng “đám mây” được thiền sư sử dụng suốt phần Chuyển Hóa Nỗi Đau Và Sợ Hãi

Cứ mãi nghĩ đám mây của mình đã biến mất thì bạn sẽ bị vướng lại bởi hình tượng của đám mây và bị bỏ lại ở phía sau. Đừng để bản thân bị buộc chặt bởi quá khứ, điều đó sẽ khiến bạn không thể nhìn ra được hình tướng mới.

“Khi bạn mất một người nào và bạn than khóc nhiều quá, thì xin hãy nghe lời gọi của Bụt. Nhìn cho sâu để nhận ra bản chất vô sinh bất diệt, không tới không đi của người bạn thương. Đó là giáo pháp của Bụt dạy về bản chất thật sự của chúng ta.”

Phần 5: Bắt đầu lại

“Trước khi chúa Jesus sinh ra thì Ngài ở đâu? Tôi đã hỏi rất nhiều người bạn Thiên Chúa giáo câu hỏi này từ nhiều năm. Nếu chúng ta muốn nhìn sâu vào câu hỏi đó, ta phải tìm hiểu về cuộc đời và cái chết của Jesus như là những biểu hiện. Chúa không sinh ra từ hư vô được. Không phải chỉ từ Bethlehem mà Jesus trở thành một con người. Ngày Chúa ra đời chỉ là một sự biểu hiện; Jesus đã hiện hữu trước giây phút mà ta gọi là Giáng sinh đó. Vậy thì ta không nên gọi nó là đản sinh. Thật sự đó không phải là sự ra đời mà đó chỉ là một sự biểu hiện. Nhìn sự biểu hiện đó với con mắt trí tuệ, ta có cơ hội nhìn sâu vào con người chúa Jesus. Ta có thể khám phá được sự thật về tính cách bất tử của Chúa. Ta có thể khám phá được tính cách vô sinh bất tử của bản chất chân thực của chính mình”.

Nỗi đau khi mất ai đó thân yêu thì không thể dùng ngôn từ nào có thể diễn tả được. Nhưng bản chất của chúng là là không sinh ra. Nên qua đời không có nghĩa là mất đi.

Phần 6: Địa chỉ của hạnh phúc

Chỉ có những người thực sự tự do thì mới hạnh phúc. Mức độ của tự do còn tùy thuộc vào tâm của bạn. “Tự do” ở đây không phải là tự do về chính trị mà là “tự do” thoát khỏi những nuối tiếc, những sợ hãi và những buồn phiền trong tâm trí.

Phải có tự do thì mới được hạnh phúc
Phải có tự do thì mới được hạnh phúc

“Hành lý ta mang theo sẽ quyết định cho ta được sống trong bình diện nào. Nếu bạn mang theo nhiều buồn phiền, sợ hãi và tham đắm, thì bạn đi tới đâu cũng chỉ gặp thế giới đau khổ như địa ngục mà thôi. Nếu bạn mang theo lòng từ bi, hiểu biết và thanh thản, thì đi đâu bạn cũng sẽ gặp được thế giới của Chân như, vương quốc của Thượng đế.”

Phần 6: Tiếp tục biểu hiện

Ở phần này, thiền sư chỉ ra việc chúng ta chuyển hóa và tiếp tục biểu hiện điều đó ở những hình thái khác nhau.

“Si mê, hờn giận và tuyệt vọng không nên tái sinh. Khi chúng được tái sinh, chúng chỉ mang tới cho thế giới thêm khổ đau và đen tối hơn mà thôi. Càng nhiều tình thương và hạnh phúc tái sinh càng tốt, vì nó sẽ làm cho thế giới hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, dễ thương hơn”.

Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây chúng ta đều tái sinh. Nếu không có sự sinh và diệt ở từng phút thì chúng ta không thể sống. Từng khoảnh khắc khi bạn đang sống, các tế bào trong cơ thể phải chết đi để duy trì sự sống đó cho bạn. Vì thế hãy vượt qua sinh tử để có thể tỏa sáng trong hiện tại và cả tương lai!

Phần 6: Sợ hãi, chấp nhận và tha thứ

“Vì sao tôi phải chết?” đây là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra. Nhưng trong Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi thầy cho rằng chúng ta nên hỏi “Chuyện gì xảy ra trước khi tôi kìa đời?” thì sẽ hay hơn.

Khi bạn tiếp xúc lấy cái khổ đau trên thế giới này thì sự tuyệt vọng sẵn sàng bao trùm lên bạn. Nhưng đừng vì thế mà bỏ cuộc, đừng để cuộc đời bạn bị mất phương hướng và chìm vào mớ hỗn độn không thể thoát ra được.

“Con nhìn con như một ngọn sóng trên mặt đại dương. Bản chất của con là nước trong đại dương. Con nhìn thấy con trong tất cả các ngọn sóng khác và thấy các ngọn sóng đó cũng có trong con. Sự biến hiện của hình hài ngọn sóng không ảnh hưởng tới đại dương. Pháp thân và trí tuệ của con không sinh cũng không diệt. Con nhìn thấy con trước khi thân con thể hiện và sau khi thân con tan rã. Ngay giây phút này con cũng thấy con đang hiện diện bên ngoài thân này. Bảy mươi, tám mươi năm không phải là tất cả cuộc đời con. Thọ mạng của con cũng như của chiếc lá, của Bụt, không bị thời gian giới hạn. Con đã vượt qua được ý niệm cho rằng cái thân này là một thực thể riêng biệt với thời gian và không gian.”

Phần 8: Sống cạnh người hấp hối

Khi sắp chết, có lẽ ta sẽ không ý thức được nhiều vào thân mình. Ta sẽ thấy thân thể bị tê dại, bị kẹt vào cái suy nghĩ thân thể đó chết đi thì chính mình cũng bị diệt.

Hãy nghĩ lại về đám mây, khi đám mây không còn nữa thì cũng không mất đi đâu hết. Nó không biến mất vào hư không mà chỉ chuyển hóa thành cơn mưa mà thôi.

“Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang.”

“Mắt này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi mắt này. Tôi là sự sống thênh thang. Tai này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi tai này. Tôi là sự sống thênh thang. Mũi này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào cái mũi này. Tôi là sự sống thênh thang…”

Nếu chúng ta thực tập nhiều, thấm nhuần được tư tưởng thực tại vô sinh bất diệt thì cả cơ thể sẽ vững chãi và bình an hơn. Ta có thể giúp người đang hấp hối bớt sợ hãi và đau khổ. Ta có thể giúp ta biết rằng không có sự chết, nghĩa là không có sợ hãi. Chỉ có sự tiếp tục mà thôi.

Lời Teng nói

Ở mục Review Sách lần này, “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” dạy chúng ta hiểu sâu vào vấn đề và biết trân trọng sinh mệnh của bản thân hơn. Những trang sách của thiền Sư Thích Nhất Hạnh viết đã giúp mình có cái nhìn sâu sắc về sự sống và cái chết. Từ đó thấu hiểu giá trị lớn lao của tình yêu, trái tim cũng thiện lương hơn rất nhiều.

IamTeng hy vọng những ai đang gặp tổn thương hay sợ hãi sẽ tìm thấy sách Không diệt không sinh đừng sợ hãi để chữa lành tâm hồn. Hãy đọc và cảm nhận!

You may also like